Bảng cân đối kế toán: Mẫu, cách lập và đọc chi tiết
Bảng cân đối kế toán (BCĐKT) là một trong những báo cáo tài chính quan trọng, giúp doanh nghiệp đánh giá tình hình tài chính tại một thời điểm nhất định. BCĐKT cung cấp thông tin về tài sản, nguồn vốn, cũng như khả năng thanh toán, cấu trúc nợ và hiệu quả hoạt động. Hãy cùng Friday tìm hiểu mẫu, cách lập và đọc BCĐKT chính xác nhất, giúp các nhà quản lý, kế toán và nhà đầu tư đưa ra quyết định đúng đắn.
1. Bảng cân đối kế toán là gì?
Bảng cân đối kế toán là một trong bốn báo cáo tài chính cốt lõi, cung cấp cái nhìn tổng thể về tình hình tài sản và các nguồn vốn hình thành nên tài sản đó của doanh nghiệp tại một thời điểm cụ thể. Có thể hình dung báo cáo này như một “bức ảnh chụp nhanh” mô tả trạng thái tài chính của doanh nghiệp – bao gồm những gì doanh nghiệp đang sở hữu (tài sản) và các nguồn tài trợ cho tài sản đó (nợ phải trả và vốn chủ sở hữu) tại thời điểm lập báo cáo.
2. Cấu trúc Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán (BCĐKT) được chia làm hai phần chính: Tài sản và Nguồn vốn. Hai phần này luôn cân bằng với nhau theo công thức:
Tổng tài sản = Tổng nguồn vốn
(Tài sản ngắn hạn + Tài sản dài hạn = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu)
Xem thêm: Tài Sản và Nguồn Vốn: Khái Niệm, Phân Biệt & Quản Lý
2.1. Phần tài sản
Tài sản thể hiện toàn bộ những gì doanh nghiệp đang sở hữu và có thể mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai. Trong bảng cân đối kế toán, tài sản được chia thành 2 nhóm chính:
- Tài sản ngắn hạn: Là các tài sản có thể chuyển thành tiền hoặc sử dụng trong vòng 12 tháng hoặc trong một chu kỳ kinh doanh. Gồm có:
- Tiền và các khoản tương đương tiền
- Các khoản phải thu ngắn hạn
- Đầu tư tài chính ngắn hạn
- Hàng tồn kho
- Các tài sản ngắn hạn khác
- Tài sản dài hạn: Là những tài sản có giá trị lớn, thời gian sử dụng trên 12 tháng, phục vụ lâu dài cho hoạt động sản xuất và kinh doanh. Gồm có:
- Các khoản phải thu dài hạn
- Tài sản cố định (như nhà xưởng, máy móc)
- Đầu tư tài chính dài hạn
- Bất động sản đầu tư
- Tài sản dở dang dài hạn
- Các tài sản dài hạn khác
2.2. Phần nguồn vốn
Nguồn vốn cho biết doanh nghiệp có được tài sản từ đâu, gồm 2 phần chính:
- Nợ phải trả: Là các khoản tiền doanh nghiệp phải thanh toán cho bên ngoài trong tương lai. Gồm:
- Nợ ngắn hạn: Có thời hạn thanh toán dưới 12 tháng hoặc trong một chu kỳ kinh doanh.
- Nợ dài hạn: Có thời hạn thanh toán trên 12 tháng hoặc sau một chu kỳ kinh doanh.
- Vốn chủ sở hữu: Là phần vốn thuộc về chủ doanh nghiệp hoặc cổ đông sau khi đã trừ hết các khoản nợ. Bao gồm:
- Vốn góp của chủ sở hữu hoặc cổ đông
- Thặng dư vốn cổ phần
- Lợi nhuận giữ lại
- Cổ phiếu quỹ, quỹ đầu tư phát triển,…
- Nguồn kinh phí và quỹ khác: Là phần kinh phí được cấp để thực hiện các dự án, hoạt động sự nghiệp hoặc hình thành tài sản cố định.
3. Mẫu bảng cân đối kế toán mới nhất 2025
3.1. Mẫu BCĐKT theo thông tư 200
3.1.1. Mẫu bảng CĐKT năm của doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục
Đối với các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động một cách bình thường và liên tục, bảng cân đối kế toán được lập theo mẫu số B 01 – DN do Bộ Tài chính ban hành trong Thông tư 200/2014/TT-BTC
3.1.2. Mẫu BCĐKT năm của doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục
Trong trường hợp doanh nghiệp không còn hoạt động theo mô hình liên tục (có khả năng giải thể, phá sản…), báo cáo tài chính sẽ sử dụng mẫu số B 01/CDHĐ – DNKLT, cũng thuộc Thông tư 200/2014/TT-BTC.
3.2. Mẫu báo cáo tình hình tài chính theo thông tư 133
3.2.1. Mẫu báo cáo tình hình tài chính năm của doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động ổn định, không có dấu hiệu ngừng hoạt động, báo cáo tài chính được lập theo Mẫu số B01a – DNN quy định tại Thông tư 133/2016/TT-BTC
3.2.2. Mẫu báo cáo tình hình tài chính năm của doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục
Nếu doanh nghiệp rơi vào tình trạng không còn đáp ứng giả định hoạt động liên tục, cần sử dụng Mẫu số B01 – DNNKLT ban hành trong Phụ lục 2 của Thông tư 133/2016/TT-BTC.
4. Lập Bảng cân đối kế toán (CĐKT) theo thông tư 200 chi tiết
4.1. Nguyên tắc lập và trình bày bảng CĐKT
Nguyên tắc chung:
- Phải tuân thủ chuẩn mực kế toán khi lập báo cáo.
- Tài sản và Nợ phải trả cần chia thành Ngắn hạn và Dài hạn:
- Ngắn hạn: thu hồi hoặc thanh toán trong một chu kỳ kinh doanh.
- Dài hạn: thu hồi hoặc thanh toán sau hơn một chu kỳ kinh doanh.
- Doanh nghiệp đặc thù không chia được thì trình bày theo tính thanh khoản giảm dần.
Nguyên tắc hợp nhất (nếu có chi nhánh/công ty con): Cộng tổng tài sản, nợ, vốn, doanh thu,… và loại trừ các giao dịch nội bộ.
Nguyên tắc trình bày
- Chỉ tiêu không có số liệu thì không cần trình bày.
- Sắp xếp theo số thứ tự, đảm bảo tính liên tục.
Cơ sở lập BCĐKT gồm:
- Sổ kế toán tổng hợp, chi tiết
- Bảng cân đối kỳ trước
- Bảng cân đối phát sinh tài khoản kỳ hiện tại
4.2. Chuẩn bị trước khi lập BCĐKT
Bước 1: Kiểm tra số dư đầu kỳ có khớp với kỳ trước không?
Bước 2: Rà soát các bút toán phát sinh, đối chiếu với thuế, bảo hiểm, khách hàng…
Bước 3: Kiểm tra kết chuyển cuối kỳ, đảm bảo TK đầu 5-9 có số dư = 0
Bước 4: Rà sổ chi tiết từng tài khoản, phân loại Ngắn/Dài hạn
Bước 5: Lập Bảng cân đối phát sinh tài khoản để đối chiếu số dư Nợ – Có
4.3. Các bước lập bảng CĐKT chi tiết
Bước 1: Xác định ngày lập báo cáo
Bảng cân đối kế toán (BCĐKT) được lập để đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp tại một thời điểm cụ thể, không phải trong một khoảng thời gian. Do đó, cần xác định rõ ngày, tháng, năm lập báo cáo để ghi vào tiêu đề bảng.
Thông thường, BCĐKT được lập vào cuối năm tài chính. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có thể lập báo cáo này theo quý hoặc nửa năm, tùy vào yêu cầu quản lý hoặc quy định.
Bước 2: Liệt kê các tài khoản trong bảng CĐKT và tính tổng tài sản
Cách lấy dữ liệu vào cột “Số đầu kỳ”:
- Kế toán sử dụng số liệu từ bảng cân đối kế toán kỳ trước, sau khi đã kiểm tra và xác nhận số liệu.
Cách lấy dữ liệu vào cột “Số cuối kỳ”:
- Không phân loại “ngắn hạn/dài hạn”: Dùng Bảng cân đối phát sinh tài khoản để lấy số dư cuối kỳ.
- Có phân loại chi tiết “ngắn hạn/dài hạn” theo đối tượng: Kết hợp giữa sổ chi tiết tài khoản đã phân loại và Bảng cân đối phát sinh tài khoản để lấy đúng chỉ tiêu.
Dưới đây là chi tiết từng chỉ tiêu tài sản và cách lấy số liệu theo đúng quy định Thông tư 200/2014/TT-BTC:
Tài sản | Mã số | Cách lấy số liệu |
A – Tài sản ngắn hạn | 100 | = 110+120+130+140+150 |
I. Tiền và các khoản tương đương tiền | 110 | = 111 + 112 |
1. Tiền | 111 | Số Dư Nợ TK 111, 112, 113 |
2. Khoản tương đương tiền | 112 | Số Dư Nợ TK 1281, 1288 (dưới 3 tháng) |
II. Đầu tư tài chính ngắn hạn | 120 | = 121 + 122 + 123 |
1. Chứng khoán kinh doanh | 121 | Số Dư Nợ TK 121 (dưới 12 tháng) |
2. Dự phòng giảm giá CKKD (*) | 122 | Số Dư Có TK 2291 (ghi số âm) |
3. Đầu tư nắm giữ đến đáo hạn | 123 | Số Dư Nợ TK 1281, 1282, 1288 (3-12 tháng) |
III. Các khoản phải thu ngắn hạn | 130 | =131+132+133+134+135+136+137+139 |
1. Phải thu KH ngắn hạn | 131 | Số Dư Nợ TK 131 (dưới 12 tháng) |
2. Trả trước cho người bán | 132 | Số Dư Nợ TK 331 (trả trước dưới 12 tháng) |
3. Phải thu nội bộ ngắn hạn | 133 | TK 1362, 1363, 1368 (thu <12 tháng) |
4. Phải thu theo tiến độ HĐXD | 134 | Số Dư Nợ TK 337 |
5. Phải thu cho vay ngắn hạn | 135 | TK 1283 (dưới 12 tháng) |
6. Phải thu khác ngắn hạn | 136 | TK 1385, 1388, 334, 338, 141, 244 (dưới 12 tháng) |
7. Dự phòng PTH ngắn hạn (*) | 137 | TK 2293 (ghi âm, <12 tháng) |
8. Tài sản thiếu chờ xử lý | 139 | TK 1381 |
IV. Hàng tồn kho | 140 | =141+149 |
1. Hàng tồn kho | 141 | TK 151, 152, 153, 154, 155, 156,… |
2. Dự phòng giảm giá HTK (*) | 149 | TK 2294 (ghi âm) |
V. Tài sản ngắn hạn khác | 150 | =151+152+153+154+155 |
1. Chi phí trả trước ngắn hạn | 151 | TK 242 (phân bổ <12 tháng) |
2. Thuế GTGT được khấu trừ | 152 | TK 133 |
3. Thuế & các khoản phải thu NN | 153 | TK 333 (số thuế được hoàn, thu khác) |
4. Mua bán lại TPCP | 154 | TK 171 |
5. Tài sản ngắn hạn khác | 155 | TK 2288 (dưới 12 tháng) |
B – Tài sản dài hạn | 200 | = 210 + 220 + 240 + 250 + 260 |
I. Các khoản phải thu dài hạn | 210 | = 211+212+213+214+215+216+219 |
1. Phải thu dài hạn KH | 211 | TK 131 (>12 tháng) |
2. Trả trước người bán dài hạn | 212 | TK 331 (>12 tháng) |
3. Vốn KD ở đơn vị trực thuộc | 213 | TK 1361 |
4. Phải thu nội bộ dài hạn | 214 | TK 1362, 1363, 1368 (>12 tháng) |
5. Phải thu cho vay dài hạn | 215 | TK 1283 (>12 tháng) |
6. Phải thu khác dài hạn | 216 | TK 1385, 1388, 334, 338, 141, 244 (>12 tháng) |
7. Dự phòng PTH dài hạn (*) | 219 | TK 2293 (ghi âm >12 tháng) |
II. Tài sản cố định | 220 | = 221 + 224 + 227 |
1. TSCĐ hữu hình | 221 | = 222 + 223 |
Nguyên giá | 222 | TK 211 |
Hao mòn lũy kế (*) | 223 | TK 2141 |
2. TSCĐ thuê tài chính | 224 | = 225 + 226 |
Nguyên giá | 225 | TK 212 |
Hao mòn lũy kế (*) | 226 | TK 2142 |
3. TSCĐ vô hình | 227 | = 228 + 229 |
Nguyên giá | 228 | TK 213 |
Hao mòn lũy kế (*) | 229 | TK 2143 |
III. Bất động sản đầu tư | 230 | =231+232 |
1. Nguyên giá | 231 | Số Dư Nợ TK 217 |
2. Giá trị hao mòn lũy kế (*) | 232 | Số Dư Có TK 2147 |
IV. Tài sản dở dang dài hạn | 240 | =241+242 |
1. Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn | 241 | Số Dư Nợ chi tiết TK 154 và Số Dư Có chi tiết TK 2294 (Hạn trên 12 tháng) |
2. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang | 242 | Số Dư Nợ TK 241 |
V. Đầu tư tài chính dài hạn | 250 | = 251+252+253+254+255 |
1. Đầu tư vào công ty con | 251 | Số Dư Nợ TK 221 |
2. Đầu tư vào công ty liên doanh liên kết | 252 | Số Dư Nợ TK 222 |
3. Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác | 253 | Số Dư Nợ chi tiết TK 2281 |
4. Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn (*) | 254 | Số Dư Có ghi âm chi tiết TK 2292 |
5. Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn | 255 | Số Dư Nợ TK 1281, 1282, 1288 (nắm giữ trên 12 tháng |
VI. Tài sản dài hạn khác | 260 | = 261+262+268 |
1. Chi phí trả trước dài hạn | 261 | Số Dư Nợ chi tiết TK 242 (hạn phân bổ trên 12 tháng) |
2. Tài sản thuế thu nhập hoãn lại | 262 | Số Dư Nợ TK 243 |
3. Thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế dài hạn | 263 | Số Dư Nợ chi tiết TK 1534 và dư Có chi tiết TK 2294 (Thời hạn trên 12 tháng) |
4. Tài sản dài hạn khác | 268 | Số Dư Nợ chi tiết TK 2288 |
TỔNG CỘNG TÀI SẢN (270 = 100 + 200) | 270 | = 100+200 |
Bước 3: Liệt kê nợ phải trả và nguồn vốn. Dựa vào số dư Có/Nợ của các tài khoản liên quan tại cuối kỳ để ghi nhận.
NGUỒN VỐN | Mã số | Cách lấy số liệu |
C- NỢ PHẢI TRẢ | 300 | = 310+330 |
I. Nợ ngắn hạn | 310 | = 311+312+313+314+315+316+317+318+319+320+321+322+323+324 |
1. Phải trả người bán ngắn hạn | 311 | Số Dư Có chi tiết TK 331 (Phải trả dưới 12 tháng) |
2. Người mua trả tiền trước ngắn hạn | 312 | Số Dư Có chi tiết TK 131 ( Khách hàng trả trước dưới 12 tháng) |
3. Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước | 313 | Số Dư Có TK 333 (Khoản thuế phải trả dưới 12 tháng) |
4. Phải trả người lao động | 314 | Số Dư Có TK 334 (Các khoản phải trả người lao động dưới 12 tháng) |
5. Chi phí phải trả ngắn hạn | 315 | Số Dư Có TK 335 (Các khoản chi phí phải trả dưới 12 tháng) |
6. Phải trả nội bộ ngắn hạn | 316 | Số Dư Có chi tiết TK 3362, 3363, 3368 (Phải trả nội bộ dưới 12 tháng) |
7. Phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng | 317 | Số Dư Có TK 337 |
8. Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn | 318 | Số Dư Có chi tiết TK 3387 (Các khoản dưới 12 tháng) |
9. Phải trả ngắn hạn khác | 319 | Số Dư Có chi tiết TK 338, 138, 344 (dưới 12 tháng) |
10. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn | 320 | Số Dư Có chi tiết TK 341 và 34311 (Các khoản vay, thuê tài chính có hạn trong vòng 12 tháng) |
11. Dự phòng phải trả ngắn hạn | 321 | Số Dư Có chi tiết TK 352 (thời hạn dưới 12 tháng) |
12. Quỹ khen thưởng phúc lợi | 322 | Số Dư Có của TK 353 |
13. Quỹ bình ổn giá | 323 | Số Dư Có của TK 357 |
14. Giao dịch mua bán lại trái phiếu chính phủ | 324 | Số Dư Có TK 171 |
II. Nợ dài hạn | 330 | = 331+332+333+334+335+336+337+338+339+ 340+341+342+343 |
1. Phải trả người bán dài hạn | 331 | Số Dư Có TK 331 (Phải trả người bán hạn trên 12 tháng) |
2. Người mua trả tiền trước dài hạn | 332 | Số Dư Có chi tiết TK 131 (Thời hạn trên 12 tháng) |
3. Chi phí phải trả dài hạn | 333 | Số Dư Có TK 335 (Phải trả hạn trên 12 tháng) |
4. Phải trả nội bộ về vốn kinh doanh | 334 | Số Dư Có chi tiết TK 3361 |
5. Phải trả nội bộ dài hạn | 335 | Số Dư Có chi tiết TK 3362, 3363, 3368 (Phải trả nội bộ trên 12 tháng) |
6. Doanh thu chưa thực hiện dài hạn | 336 | Số Dư Có chi tiết TK 3387 (Các khoản trên 12 tháng) |
7. Phải trả dài hạn khác | 337 | Số Dư Có chi tiết TK 338, 344 (Các khoản trên 12 tháng |
8. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn | 338 | Số Dư Có chi tiết TK 341 (kỳ hạn trên 12 tháng) vàDư Có TK 34311 trừ (-) dư Nợ TK 34312 cộng (+) dư Có TK 34313. |
9. Trái phiếu chuyển đổi | 339 | Số Dư Có chi tiết của TK 3432 |
10. Cổ phiếu ưu đãi | 340 | Số Dư Có chi tiết TK 41112 – (chi tiết loại cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả) |
11. Thuế thu nhập hoãn lại phải trả | 341 | Số Dư Có TK 347 |
12. Dự phòng phải trả dài hạn | 342 | Số Dư Có chi tiết TK 352 (Các khoản trên 12 tháng) |
13. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ | 343 | Số Dư Có của TK 356 |
D- VỐN CHỦ SỞ HỮU | 400 | = 410+430 |
I. Vốn chủ sở hữu | 410 | =411+412+413+414+415+416+417 +418+419+420+421+422 |
1. Vốn góp của chủ sở hữu | 411 | =411a+411b |
Cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết | 411a | Số Dư Có TK 41111 |
Cổ phiếu ưu đãi | 411b | Số Dư Có chi tiết TK 41112 |
2. Thặng dư vốn cổ phần | 412 | Số dư có TK 4112 (Trường hợp tài khoản này có số dư bên nợ: ghi số âm chỉ tiêu này) |
3. Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu | 413 | Số Dư Có chi tiết TK 4113 |
4. Vốn khác của chủ sở hữu | 414 | Số Dư Có Tài khoản 4118 |
5. Cổ phiếu quỹ (*) | 415 | Số Dư Nợ TK 419 (Ghi số âm) |
6. Chênh lệch đánh giá lại tài sản | 416 | Số dư Có TK 412, (Trường hợp tài khoản có số dư bên nợ, ghi số âm chỉ tiêu này) |
7. Chênh lệch tỷ giá hối đoái | 417 | Số dư Có TK 413 (Trường hợp tài khoản có số dư bên nợ, ghi số âm chỉ tiêu này) |
8. Quỹ đầu tư phát triển | 418 | Số Dư Có TK 414 |
9. Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp | 419 | Số Dư Có TK 417 |
10. Quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu | 420 | Số Dư Có tài khoản 418 |
11. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối | 421 | =421a+421b |
LNST chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước | 421a | Số Dư có TK 4211 (Số Dư Nợ: ghi số âm) |
LNST chưa phân phối kỳ này | 421b | Số Dư có TK 4212 (Số Dư Nợ: ghi số âm) |
12. Nguồn vốn đầu tư XDCB | 422 | Số Dư Có TK 441 |
II. Nguồn kinh phí và quỹ khác | 430 | = 431+432+433 |
1. Nguồn kinh phí | 431 | Số Dư Có TK 461 – Dư Nợ TK 161 |
2. Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ | 432 | Số Dư Có TK 466 |
TỔNG CỘNG NGUỒN VỐN (440 = 300 + 400) | 440 | = 300+400 |
4.4. Ví dụ cách lập bảng CĐKT
Tình huống: Doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh 12 tháng. Tại ngày 31/12/2023 có các khoản tiền gửi ngân hàng như sau:
- Sổ tiết kiệm A: 2 tỷ đồng, kỳ hạn 1 tháng
- Sổ tiết kiệm B: 4 tỷ đồng, kỳ hạn 9 tháng
- Sổ tiết kiệm C: 8 tỷ đồng, kỳ hạn 15 tháng
Cách trình bày trên BCĐKT:
- Sổ A: Kỳ hạn < 3 tháng → là Tài sản ngắn hạn, mục “Các khoản tương đương tiền” – Mã 112: 2 tỷ
- Sổ B: Kỳ hạn < 12 tháng → là Tài sản ngắn hạn, mục “Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn” – Mã 123: 4 tỷ
- Sổ C: Kỳ hạn > 12 tháng → là Tài sản dài hạn, mục “Phải thu dài hạn khác” – Mã 216: 8 tỷ
Lưu ý:
- Tài sản trình bày theo tính thanh khoản giảm dần
- Nợ phải trả trình bày theo thời gian đáo hạn tăng dần
Hiện nay, một số phần mềm kế toán thông minh như Friday có khả năng tự động kiểm tra sai lệch và cảnh báo cho kế toán trước khi lập báo cáo tài chính. Ngoài ra, Friday còn tích hợp nhiều tính năng nổi bật như: tự động hạch toán, nhập liệu từ file Excel, xử lý hóa đơn điện tử… giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu suất làm việc.
5. Hướng dẫn đọc Bảng cân đối kế toán
5.1. Tổng hợp thông tin cơ bản của doanh nghiệp
Công việc này nhằm hỗ trợ quá trình phân tích và đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp, thông qua việc kết hợp với các số liệu và chỉ tiêu rút ra từ Báo cáo tài chính, đặc biệt là Bảng cân đối kế toán. Một số thông tin nền tảng cần thu thập gồm: lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề hoạt động, quy mô doanh nghiệp, đặc điểm sản xuất – kinh doanh, định hướng phát triển và mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp.
5.2. Các kỹ thuật cơ bản trong phân tích
Phân tích theo phương ngang:
Đây là phương pháp nhằm so sánh các chỉ tiêu tài chính tại các thời điểm khác nhau, giúp đánh giá sự biến động qua thời gian. Cụ thể, kế toán sẽ xác định mức tăng/giảm bằng số tuyệt đối và tính tỷ lệ phần trăm thay đổi so với kỳ trước, từ đó nắm bắt xu hướng phát triển của doanh nghiệp.
Ví dụ: Khi đối chiếu tổng tài sản tại ngày 31/12/N và 31/12/N+1, doanh nghiệp có thể nhận biết mức thay đổi tài sản là tăng hay giảm, đồng thời xác định tốc độ thay đổi thông qua tỷ lệ phần trăm.
Phân tích theo phương dọc:
Phương pháp này tập trung xác định tỷ trọng của từng khoản mục trên bảng cân đối kế toán so với một tổng số liên quan, nhằm phản ánh cơ cấu tài chính nội tại.
Ví dụ: Kế toán có thể tính tỷ trọng của Nợ phải trả hoặc Vốn chủ sở hữu so với Tổng nguồn vốn, hoặc phân tích sâu hơn cơ cấu từng loại nợ trong tổng nợ phải trả để đánh giá mức độ phụ thuộc tài chính của doanh nghiệp.
5.3. Các bước phân tích
Bước 1: Khái quát tổng thể bảng cân đối kế toán để nắm quy mô doanh nghiệp, cơ cấu tài sản và nguồn vốn.
Bước 2: Tập trung phân tích các khoản mục trọng yếu (chiếm tỷ trọng lớn) để đánh giá cách phân bổ tài sản và huy động vốn.
Bước 3: Tính toán và đánh giá các chỉ số tài chính như:
- Khả năng thanh toán: Hệ số thanh toán hiện hành, thanh toán nhanh.
- Cơ cấu tài chính: Hệ số nợ, hệ số vốn chủ sở hữu, tỷ lệ D/E.
- Hiệu quả hoạt động: Kết hợp báo cáo KQKD để phân tích vòng quay tồn kho, các khoản phải thu, phải trả…
6. Lưu ý quan trọng khi lập BCĐKT
- Đảm bảo cân đối số liệu: Tổng tài sản (Mã 270) phải luôn bằng Tổng nguồn vốn (Mã 440). Nếu sai lệch, cần rà soát lại các bút toán hạch toán, phân loại tài sản và nguồn vốn.
- Phân loại đúng hạn mục: Phân biệt rõ giữa tài sản ngắn hạn và dài hạn; nợ phải trả ngắn hạn và dài hạn dựa trên thời điểm đáo hạn thực tế.
- Tuân thủ nguyên tắc trình bày:
- Tài sản sắp xếp theo tính thanh khoản giảm dần.
- Nợ phải trả trình bày theo thời gian thanh toán tăng dần.
- Vốn chủ sở hữu thể hiện theo đúng bản chất nguồn hình thành.
- Đối chiếu với sổ kế toán chi tiết: Các chỉ tiêu trên BCĐKT cần khớp với số dư cuối kỳ trong sổ cái và sổ chi tiết liên quan.
- Kiểm tra ảnh hưởng từ các bút toán cuối kỳ: Như trích trước chi phí, phân bổ tài sản, đánh giá lại ngoại tệ, khấu hao… vì có thể làm thay đổi đáng kể số liệu.
- Áp dụng phần mềm kế toán hiệu quả: Sử dụng phần mềm như Friday để tự động kiểm tra tính hợp lệ, cảnh báo sai lệch và hỗ trợ lập BCĐKT nhanh chóng, chính xác hơn.
Kết luận
Bảng cân đối kế toán là công cụ quan trọng không chỉ giúp doanh nghiệp theo dõi tài chính mà còn hỗ trợ trong việc phân tích, đánh giá sức khỏe tài chính. Việc lập và đọc BCĐKT đúng cách sẽ giúp tối ưu hóa các chiến lược tài chính và tăng cường khả năng ra quyết định của doanh nghiệp.